Vịnh Hạ Long: bờ biển đẹp nhất
Lonely Planet Traveller khá am tường khi kể về truyền thuyết gắn liền với vịnh Hạ Long để mở đầu cho địa danh này: “Ngày xửa ngày xưa, một con rồng thân thiện sống cùng người dân ở vùng trời trên vịnh Hạ Long. Khi những kẻ xâm lược từ vùng biển khác đe dọa Việt Nam, các vị thần đã sai rồng tạo ra một hàng rào tự nhiên bảo vệ người dân. Và cách con rồng hạ cánh ngoạn mục dọc theo đường bờ biển thành những khối đá lớn tựa những vảy đuôi đã tạo nên một trong bảy kì quan thiên nhiên mới của thế giới”.
Phong cảnh huyền bí của vịnh Hạ Long, nơi có hơn 2.000 hòn đảo đá vôi
Các đảo trên vịnh Hạ Long có những hình thù riêng, không đảo nào giống đảo nào. Những hòn đảo nổi tiếng ở đây gồm có: hòn Con Cóc, hòn Trống Mái, đảo Ngọc Vừng, đảo Ti Tốp, đảo Tuần Châu.
Điểm lý thú là du khách đến đây sau khi khám phá đảo và hệ thống hang động có thể qua đêm ngay trên mặt nước – những du thuyền của Vịnh Hạ Long.
nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam, là một phần bờ tây vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển của thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn. Phía tây nam vịnh giáp đảo Cát Bà, phía tây giáp đất liền với đường bờ biển dài 120 km, được giới hạn trong các tọa độ từ 1060 58’ – 1070 22’ kinh độ Đông và 200 45’ – 200 50’ vĩ độ bắc, với tổng diện tích 1553 km2 gồm 1969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên.
Đảo ở Hạ Long có hai dạng là đảo đá vôi và đảo phiến thạch, tập trung ở hai vùng chính là vùng phía đông nam vịnh Bái Tử Long và vùng phía tây nam vịnh Hạ Long. Đây là hình ảnh cổ xưa nhất của địa hình có tuổi kiến tạo địa chất từ 250 – 280 triệu năm, là kết quả của quá trình vận động nâng lên, hạ xuống nhiều lần từ lục địa thành trũng biển. Quá trình Caxto bào mòn, phong hoá gần như hoàn toàn tạo ra một Hạ Long độc nhất vô nhị trên thế giới. Trong một diện tích không lớn, hàng ngàn đảo đá với muôn hình, dáng vẻ khác nhau như những viên ngọc bích long lanh được đính lên chiếc khăn voan xanh biếc của nàng thiếu nữ. Vùng tập trung dày đặc các đảo đá có phong cảnh ngoạn mục và nhiều hang động đẹp nổi tiếng là vùng trung tâm Di sản Thiên nhiên vịnh Hạ Long, bao gồm vịnh Hạ Long và một phần vịnh Bái Tử Long.
Vùng Di sản được Thế giới công nhận có diện tích 434 km2 bao gồm 775 đảo, như một hình tam giác với ba đỉnh là đảo Đầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam) và đảo Cống Tây (phía đông). Vùng kế bên là khu vực đệm và di tích danh thắng quốc gia được bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng năm 1962.
Từ trên cao nhìn xuống, vịnh Hạ Long như một bức tranh thuỷ mặc khổng lồ vô cùng sống động. Đó là những tác phẩm tạo hình tuyệt mỹ, tài hoa của tạo hoá, của thiên nhiên biến hàng ngàn đảo đá vô tri tĩnh lặng kia trở nên những tác phẩm điêu khắc, hội họa hoàn mỹ với muôn hình dáng vẻ yêu kiều, vừa rất quen thuộc vừa như xa lạ với con người. Hàng ngàn đảo đá nhấp nhô trên sóng nước lung linh huyền ảo, vừa khoẻ khoắn hoành tráng nhưng cũng rất mềm mại duyên dáng, sống động. Đi giữa Hạ Long với muôn ngàn đảo đá, ta ngỡ như lạc vào một thế giới cổ tích bị hoá đá nơi đây. Đảo thì giống hình ai đó đang hướng về đất liền – hòn Đầu Người; đảo thì giống như một con rồng đang bay lượn trên mặt nước – Hòn Rồng; đảo thì lại giống như một ông lão đang ngồi câu cá – hòn Lã Vọng; và kia hai cánh buồm nâu lực lưỡng đang rẽ sóng nước ra khơi – hòn Cánh Buồm; rồi hai con gà đang âu yếm vờn nhau trên sóng nước – hòn Trống Mái; đứng giữa biển nước bao la một lư hương khổng lồ như một vật cúng tế trời đất – hòn Lư Hương… Tất cả đều rất thực, thực đến kinh ngạc. Những đảo đá diệu kỳ ấy biến hoá khôn lường theo thời gian và góc nhìn. Tới đây ta mới nhận ra tất cả chúng không phải là những hòn đảo vô tri tĩnh lặng mà như có hồn và đều sống động.
Tiềm ẩn trong lòng các đảo đá ấy là những hang động tuyệt đẹp như động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, động Sửng Sốt, hang Trinh Nữ, động Tam Cung… Đó thực sự là những lâu đài của tạo hoá giữa chốn trần gian. Từ xưa, Hạ Long đã được đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi mệnh danh là “kỳ quan đất dựng giữa trời cao”. Bao tao nhân mặc khách từ khắp năm châu khi đặt chân đến đây đều cảm thấy bàng hoàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của Hạ Long, dường như họ đều cảm thấy lúng túng và bất lực bởi vốn từ hiện có vẫn chưa đủ để mô tả vẻ đẹp của Hạ Long.
Vịnh Hạ Long cũng là nơi gắn liền với những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc Việt Nam với những địa danh nổi tiếng như Vân Đồn – nơi có thương cảng cổ sầm uất vào thế kỷ thứ 12; có núi Bài Thơ lịch sử; cách đó không xa dòng sông Bạch Đằng – là chứng tích của hai trận thuỷ chiến lẫy lừng của các thế hệ ông cha chống giặc ngoại xâm. Không chỉ có vậy, Hạ Long còn là một trong những cái nôi của con người với nền Văn hoá Hạ Long huy hoàng thời Hậu kỳ đồ đá mới tại những địa danh khảo cổ học nổi tiếng như Đồng Mang, Xích Thổ, Soi Nhụ, Thoi Giếng…
Hạ Long cũng là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình như hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái tùng áng, hệ sinh thái rừng cây nhiệt đới… Với hàng ngàn loài động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng như tôm, cá, mực… Có những loài đặc biệt quý hiếm chỉ có ở nơi đây.
Với những giá trị đặc biệt như vậy, ngày 17/12/1994, trong phiên họp lần thứ 18 của Hội đồng Di sản Thế giới thuộc UNESCO tổ chức tại Thái Lan, vịnh Hạ Long chính thức được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới. Năm 2000, vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận lần thứ hai Di Sản thế giới bởi giá trị địa chất, địa mạo. Điều đó đã khẳng định giá trị ngoại hạng mang tính toàn cầu của vịnh Hạ Long
Thông tin hữu ích: http://diemuudai.vn/diem-uu-dai/x-0-b_x-0-s_80_0.html
Các điểm ưu đãi cho chủ thẻ các ngân hàng khi bạn du lịch tại Hạ Long- Quảng Ninh
Xuất xứ tên gọi:
Hạ Long nghĩa là “Rồng xuống”. Tên này chưa thấy được ghi chép trong các thư tịch cổ của nước ta từ trước thế kỷ XIX. Khi nói đến khu vực Vịnh Hạ Long ngày nay, sử sách xưa thường chép chung là biển Giao Châu, Lục Châu, Lục Thủy, Vân Đồn, Hải Đông, An Bang… Mãi đến cuối thế kỷ XIX, tên Vịnh Hạ Long mới thấy xuất hiện trên bản đồ hàng hải Vịnh Bắc Bộ của Pháp.
Vậy tên Hạ Long bắt nguồn từ đâu và có từ bao giờ? Trong dân gian từ bao đời nay vẫn lưu truyền câu chuyện huyền thoại gắn liền với sự ra đời tên gọi của Vịnh Hạ Long. Truyện kể rằng: “Ngày xưa, khi người Việt mới lập nước, trong một lần nước Việt bị giặc ngoại xâm, trời sai rồng mẹ mang theo một đàn rồng con xuống giúp người Việt đánh giặc. Khi thuyền giặc từ biển cả ào ạt tấn công vào bờ thì đàn rồng cũng hạ giới. Đàn rồng lập tức phun ra vô số châu ngọc, những châu ngọc ấy thoắt biến thành muôn vàn đảo đá sừng sững, liên kết lại như bức tường thành vững chãi, bất ngờ chặn bước tiến quân giặc. Thuyền giặc đang lao nhanh bị chặn lại đột ngột đâm vào các đảo đá, đâm vào nhau vỡ tan tành.
Sau khi giặc tan, rồng mẹ và rồng con không trở về trời, mà ở lại hạ giới – nơi vừa diễn ra trận chiến đấu. Chỗ rồng mẹ xuống là Hạ Long, nơi rồng con xuống là Bái Tử Long. Đuôi của đàn rồng quẫy lên trắng xóa là Long Vĩ (tức bán đảo Trà Cổ ngày nay)”.
Câu chuyện dân gian gắn liền với quan niệm về nguồn gốc của dân tộc Việt là “Con Rồng, cháu Tiên”. Rồng, Tiên chính là sức mạnh truyền thống của dân tộc đã được biểu tượng hoá và có lẽ người đặt cho vùng biển đảo cái tên thơ mộng ấy không ai khác ngoài dân gian nơi đây. Ngày nay, nhiều đảo núi trong Vịnh Hạ Long vẫn mang tên Rồng như: Đầu Rồng, Mắt Rồng, Hòn Rồng, Cái Rồng, ngoài xa có đảo Long Châu, đảo Bạch Long Vĩ.