Thứ Năm , 21 Tháng Mười Một 2024
Trang chủ / TIN TỨC SỰ KIỆN / Những lưu ý về thẻ tín dụng phụ

Những lưu ý về thẻ tín dụng phụ

Sử dụng chung tài khoản

Thẻ tín dụng phụ thường được mở kèm với thẻ tín dụng chính để tăng số người sử dụng cho tiện lợi. Chỉ có chủ thẻ chính mới có quyền yêu cầu mở thẻ phụ cho một hoặc nhiều người khác. Một số ngân hàng (NH) cho phép chủ thẻ chính có thể đăng ký mở thẻ phụ cho bất kỳ người nào, nhưng có NH chỉ cho phép mở thẻ phụ cho người thân của chủ thẻ chính như cha mẹ, vợ hoặc chồng và con cái. Tuổi quy định để được cấp thẻ phụ là từ 15 trở lên. Đa số các NH đều hạn chế số lượng thẻ tín dụng phụ được mở kèm là 2, nhưng cũng có NH cho phép nhiều hơn.

lưu ý khi sử dụng thẻ tín dụng phụ

Những lưu ý khi sử dụng thẻ tín dụng phụ

Việc đăng ký thẻ phụ khá đơn giản vì chủ thẻ phụ không cần chứng minh thu nhập với NH. Tùy vào quy định của từng NH, thẻ phụ sẽ được miễn phí thường niên hay không. Nếu thu thì thông thường phí thường niên thẻ phụ chỉ bằng 50% phí thường niên thẻ chính, dù vẫn được sử dụng tất cả dịch vụ như thẻ chính và mọi giao dịch đều được tính chung vào hạn mức của thẻ chính.

Ví dụ, hạn mức của thẻ tín dụng chính được NH đưa ra là 50 triệu đồng thì nếu có thêm một hay nhiều thẻ phụ, tổng hạn mức sử dụng cho thẻ chính và các thẻ phụ vẫn là 50 triệu đồng. Bảng sao kê hằng tháng sẽ liệt kê tất cả giao dịch trên cả hai loại thẻ và chủ thẻ chính là người có trách nhiệm thanh toán lại cho NH.

Để không thành con nợ

Nhiều chủ thẻ chính khá vô tư khi đăng ký thêm thẻ tín dụng phụ, nhất là ở những NH không thu phí thường niên thẻ phụ. Tuy nhiên, đôi khi họ lại quên mất việc có một người khác cũng có cơ hội sử dụng thẻ và tiền sẽ được trừ vào tài khoản của mình, đến khi nhớ ra thì… tiền cũng đã ra đi.

Anh Phú Hoàng (ngụ Q.3, TP.HCM) kể, vì ít sử dụng thẻ tín dụng nên đăng ký thêm thẻ phụ cho vợ dùng thanh toán nhiều khoản chi tiêu trong gia đình. Những tháng trước, vợ anh chi tiêu chừng mực nên anh không lo lắng gì về điều đó. Nhưng tháng rồi, khi nhận được sao kê tài khoản từ NH anh tá hỏa thấy tổng mức sử dụng thẻ của vợ lên đến con số hơn 30 triệu đồng, cao hơn cả lương tháng của anh.

“Mình dự định mua một số vật dụng cá nhân cần thiết, nhưng tiền vợ chi lạm rồi nên đành phải thôi. Vấn đề là mình không hề biết vợ sử dụng vào thời gian nào. Hỏi ra mới biết cô ấy tranh thủ mua một số đồ gia dụng mới, vào đúng ngày điện thoại mình hư phải đem sửa nên không nhận được tin báo từ NH”, anh Hoàng nói.

Chị Ngân, một chủ thẻ tín dụng tại Q.Tân Bình (TP.HCM), lại rơi vào tình cảnh khác. Có con gái đang học ở Singapore nên chị đăng ký mở thẻ TD phụ để con chi tiêu dễ hơn, nhất là khi cần tiền mà vì nhiều lý do gia đình không gửi sang kịp.

“Tuy nhiên, sau khi thẻ phụ mở được một tháng, mình choáng váng thấy tổng số tiền phải thanh toán lại cho NH gần 100 triệu đồng, gần hết hạn mức tối đa được phép sử dụng”. Tưởng NH nhầm lẫn, chị tới hỏi thì được sao kê một loạt danh sách chi tiêu. “Hóa ra có thẻ tín dụng trong tay, con gái mình năng đi shopping hơn và vô tư cà thẻ. Trong khi đó, tin nhắn báo vào điện thoại lại bị trễ và mình cũng không có thói quen ngồi cộng lại tổng số tiền đã sử dụng. Sau lần đó, mình nói chuyện lại với con gái và ra NH đăng ký hạn mức cho thẻ phụ chỉ tối đa 20 triệu đồng/tháng”, chị Ngân tâm sự.

Theo một chuyên gia về thẻ tín dụng, chủ thẻ chính sẽ khó kiểm soát được mức chi tiêu của người khác, dù đó là vợ hay con, trong khi cuối tháng mình phải è ra trả nợ. “Vì vậy, trước khi muốn mở thẻ tín dụng phụ cho bất kỳ người nào, chủ thẻ chính phải cân nhắc kỹ và tốt nhất nên đặt hạn mức cho thẻ phụ để đảm bảo an toàn tài chính, tránh trở thành con nợ của NH”, chuyên gia này nói.

Thuộc về diemuudai

Bài viết HOT

bảo hiểm ô tô bắt buộc

Tìm hiểu kinh nghiệm làm bảo hiểm xe ô tô cho mọi tài xế

Có rất nhiều người hiện nay đang lo lắng về một số trường hợp các …