Thẻ ghi nợ là một loại thẻ được sử dụng vô cùng phổ biến hiện nay, bạn đã hiểu rõ tất cả về tính chất, công dụng, cũng như cách mở thẻ và những lưu ý khi sử dụng chưa? Hãy cùng chúng tôi làm rõ những điều này trong bài viết dưới đây.
Ắt hẳn ai cũng từng nghe qua cụm danh từ “thẻ ghi nợ nội địa” không ít lần, thậm chí có người còn cầm trong tay chiếc thẻ ấy nhưng vẫn chưa thực sự hiểu rõ định nghĩa của nó.
1. Thẻ ghi nợ nội địa là gì?
Thẻ ghi nợ nội địa (debit card) là loại thẻ do Ngân hàng phát hành với mục đích dùng để thanh toán tại các địa điểm có chấp nhận cho sử dụng như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà hàng,.. và được giao dịch quy đổi ra tiền mặt tại cây ATM.
Chính vì thói quen dùng tiền mặt và thường xuyên rút tiền tại cây ATM nên người Việt Nam chúng ta vẫn quen gọi thẻ ghi nợ là thẻ ATM.
2. Thẻ ghi nợ nội địa có những chức năng gì?
Mục đích phát hành ban đầu của chiếc thẻ này là để rút tiền mặt tại các cây ATM. Thay vì trước kia, chúng ta phải tới ngân hàng, lấy số thứ tự, xếp hàng ngồi chờ để làm thủ tục rút tiền trong tài khoản thì khi có loại thẻ này, chỉ việc ra cây ATM, đút thẻ, nhập mã PIN và số tiền là ngay lập tức có thể giao dịch.
Việc giao dịch trở nên thuận tiện và nhanh chóng hơn rất nhiều, có thể rút tiền mặt ở bất kì nơi nào có cây ATM, bất kỳ thời điểm nào mong muốn chứ không cần phải giao dịch theo giờ giấc làm việc của ngân hàng như trước kia nữa.
Từ chức năng rút tiền mặt đơn giàn ban đầu, hiện nay chiếc thẻ ghi nợ nội địa được các ngân hàng tích hợp rất nhiều dịch vụ tiện ích khác. Chúng ta có thể thanh toán trực tiếp tại các địa điểm có cho phép cà thẻ mà không cần rút ra tiền mặt hoặc sử dụng dịch vụ internet banking dùng để giao dịch cho những đơn hàng trực tuyến.
Ngoài ra, khi thanh toán bằng thẻ ghi nợ bạn còn có cơ hội tích điểm để nhận quà như voucher mua hàng khuyến mãi, ăn uống hay được hoàn lại một phần tiền.
3. Điều kiện và thủ tục làm thẻ ghi nợ nội địa như thế nào?
Điều kiện mở thẻ:
- Chủ thẻ là công dân Việt Nam hoặc công dân nước khác đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam.
- Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự cũng như chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của luật pháp.
Thủ tục mở thẻ:
- Thủ tục này khá đơn giản, bạn mang chứng minh nhân dân hoặc passport còn hiệu lực ra trụ sở ngân hàng muốn mở thẻ, điền các loại giấy tờ theo yêu cầu và làm theo hướng dẫn tại quầy giao dịch.
- Hiện nay, để giúp cho việc lấy thông tin khách hàng thuận lợi và nhanh chóng hơn nhiều ngân hàng đều đã áp dụng dịch vụ đăng kí thông tin tài khoản online, bạn có thể tham khảo tại website của ngân hàng mình muốn mở thẻ để điền thông tin cá nhân trước.
- Ngoài ra, bạn cần phải có sẵn 50.000-100.000 để đóng phí cho dịch vụ mở tài khoản, duy trì hoạt động hay quản lý tài khoản,.. tùy theo chính sách của từng ngân hàng.
4. Cần có những lưu ý gì khi sử dụng loại thẻ này?
- Đúng như tên gọi của nó, thẻ ghi nợ nội địa chỉ có thể dùng để chi trả cho các khoản tiêu dùng ở phạm vi trong nước phát hành thẻ đó chứ không thể thực hiện các giao dịch ở nước ngoài.
- Luôn cần phải có ít nhất 50.000 để duy trì hoạt động của thẻ, vì vậy bạn không thể rút hết tất cả số tiền có trong tài khoản của mình.
- Để tránh bị mất tiền oan, tuyệt đối không nên tiết lộ cho ai biết mã số PIN của mình và cũng không đặt mã PIN trùng với ngày tháng năm sinh, số điện thoại hay số chứng minh nhân dân.
- Tránh nhập sai mã số PIN 3 lần liên tiếp, nếu không sẽ bị khóa thẻ.
Nhìn chung, thẻ ghi nợ nội địa là một phương tiện thanh toán rất phổ biến và tiện lợi hiện nay, vừa có thể rút ra tiền mặt, vừa có thể dùng thay thế cho tiền mặt. Tuy nhiên để tránh việc trộm cắp tại các cây ATM, bạn nên lựa chọn phương thức thanh toán trực tiếp trên thẻ vì nó nhanh chóng và an toàn hơn, ngoài ra khi lựa chọn loại hình thanh toán này bạn còn có cơ hội được nhận các ưu đãi, quà tặng từ ngân hàng.