Như chúng ta đã biết thẻ tín dụng mang lại rất nhiều lợi ích trong giao dịch thanh toán cũng như hưởng nhiều ưu đãi khi mua sắm tại các đơn vị có liên kết với ngân hàng. Với thẻ tín dụng, chúng ta được ngân hàng “ứng” tiền trước để chi tiêu cho dù trong thẻ không còn số dư thanh toán.
Bên cạnh những lợi ích nhận được từ thẻ tín dụng như: thanh toán thuận tiện, dễ dàng, ưu đãi khi mua sắm tại các cửa hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm, làm đẹp … thì khi sử dụng thẻ tín dụng chủ thẻ sẽ phải chịu một số khoản phí. Có hiểu biết tổng quan nhất về các loại phí sẽ giúp người dùng sử dụng thẻ tín dụng một cách hiệu quả hơn.
– Phí thường niên: Đây là mức phí hàng năm mà khách hàng phải trả cho ngân hàng để duy trì thẻ tín dụng. Mức phí này dao động từ 50.000đ đến 500.000đ tùy thuộc từng ngân hàng, có loại thẻ không phải chịu phí thường niên mà thay vào đó có thể là hạn mức chi tiêu tối thiểu hàng tháng chẳng hạn.
– Phí chậm thanh toán: Khoản phí này xuất hiện khi khách hàng thanh toán ít hơn mức tối thiểu theo quy định của ngân hàng (thường là 5% dư nợ cuối kỳ), được tính theo phần trăm số tiền trả chậm. Ví dụ khi tới hạn trả nợ cuối kỳ, khách hàng phải trả tối thiểu 500.000đ cho ngân hàng. Vì lý do nào đó khách hàng chỉ trả 100.000đ, như vậy khách hàng đã vị phạm quy định và chịu phạt trả chậm =400.000đ*4%= 16.000đ. (Tỷ lệ phạt tùy thuộc vào ngân hàng và quy định mức phạt tối thiểu).
Khi sử dụng thẻ tín dụng, chúng ta cần thiết phải theo dõi dư nợ và hạn thanh toán để tránh phải chịu phí này. Ví dụ sử dụng thẻ tín dụng để mua thẻ điện thoại nhưng quên không trả nợ cho ngân hàng trước hạn, hậu quả là khách hàng phải chịu phí trả chậm lên tới 50.000đ hoặc cao hơn. Đây thực sự là một lỗi không đáng có, vì vậy cần có kế hoạch trong chi tiêu để tránh bỏ sót các giao dịch nhỏ.
– Lãi suất: Sau thời hạn miễn lãi kể từ ngày xuất hiện giao dịch vay đầu tiên (45 ngày hoặc 55 ngày tùy từng loại thẻ), ngân hàng sẽ bắt đầu tính lãi trên những khoản vay chưa trả được của khách hàng. Tổng lãi vay được tính dựa trên lãi của từng khoản vay. Cần phân biệt lãi vay ở đây với phí trả chậm. Lãi vay được tính trên số nợ còn lại của khách hàng sau 45 ngày miễn lãi đầu tiên (khách hàng cho dù có trả đủ mức yêu cầu tối thiểu của ngân hàng hay không cũng phải trả lãi này cho ngân hàng sau 45 ngày không tính lãi).
– Phí rút tiền mặt: Ngân hàng không khuyến khích sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt vì lý do an toàn tài chính, nên khi khách hàng vì lý do nào đó phải rút tiền mặt sẽ phải chịu mức phí rất cao, từ 4-6% lượng tiền mặt rút ra, mức phí tối thiểu 50.000đ trở lên tùy ngân hàng.
– Phí vượt hạn mức tín dụng: Khách hàng sẽ phải chịu mức phí này khi chi tiêu “quá tay”, vượt qua hạn mức tín dụng cho phép của ngân hàng. Ví dụ hạn mức chi tiêu là 50 triệu đồng/tháng nhưng khách hàng lại vay tới 60 triệu đồng. Vậy phí vượt hạn mức tỷ lệ phần trăm nhân với 10 triệu đồng. Tỷ lệ này cũng tùy từng ngân hàng quy định (dao động từ 3-5%, và cũng có mức phí tối thiểu).
– Phí chuyển đổi ngoại tệ: Khi khách hàng thanh toán bằng ngoại tệ tại nước ngoài. Mức phí dao động từ 2-3% trên khối lượng giao dịch.
Ngoài ra, còn một số loại phí khác như phí làm lại thẻ… không nằm trong diện sử dụng thẻ để thanh toán nên sẽ không được đề cập ở đây.