Diemuudai.vn trích nguyên văn buổi phóng vẫn với T.S Lê Thẩm Dương Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM về vấn đề tín dụng, vay tín dụng hiện nay ở Việt Nam.
Đổ lỗi cho ngân hàng không chịu cho vay và đổ lỗi cho lãi suất là cách nhìn không toàn diện. Ngân hàng có lỗi không? Có lỗi vì chưa giải quyết nợ xấu được.
Việc tín dụng hệ thống ngân hàng âm trong 2 tháng đầu năm 2014 là hoàn toàn bình thường và tỷ lệ tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ đạt vượt chỉ tiêu 14%, đó là nhận định của TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM khi trao đổi với chúng tôi.
Ông đánh giá thế nào về việc tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng âm trong 2 tháng đầu năm nay?
2 tháng đầu năm có hiện tượng tín dụng giảm 1,66% so với cuối 2013. Đó là về toàn cục còn tại TP.HCM vẫn tăng 1% hay một số ngân hàng tăng chứ không giảm, có ngân hàng tăng 1%, 6%.
Việc tăng trưởng âm so với quy luật mọi năm cũng là bình thường. Lý do bởi tháng 2 rơi vào tháng Tết. Và kể cả sau Tết thì dư âm vẫn còn, năm nào cũng vậy chứ không chỉ năm nay, nó mang tính quy luật. Mặc dù Thủ tướng và Thống đốc chỉ đạo phải khởi động ngay từ đầu năm nhưng đó là tập quán. Chúng ta phải nhìn về ba phía là nền kinh tế, ngân hàng và người vay. Nền kinh tế vào đầu năm có nhiều tín hiệu tốt như tỷ giá ổn định và chắc chắn ổn định, vàng không “quậy” nữa.
“Tín dụng là lòng tin, không tin thì không thể cho vay”
Kinh tế Việt Nam lệ thuộc kinh tế thế giới trong khi môi trường kinh tế thế giới khởi sắc nhưng sự ì ạch của vẫn còn và không phải chốc lát có thể “bùng” lên được.
Ì ạch của nền kinh tế nằm ngay ở trong nước và cả nước ngoài. Đâu chỉ trong nước mà còn thị trường xuất khẩu, tín hiệu tốt chứ hiện thân tốt thì chưa. Rồi mô hình, thể chế đâu làm xong ngay được.
Đối với ngân hàng, nợ xấu đang trong giai đoạn giải quyết. Không chỉ 2 tháng đầu năm mà phải phấn đấu cật lực cho cả năm.
Còn ở người vay, giải quyết nợ xấu xong rồi mới được vay. Khách hàng cũ thì “dính” nợ xấu, khách hàng mới với môi trường cạnh tranh thế này thì lấy đâu ra.
Và vừa rồi là việc chỉnh sửa Thông tư 02. Chỉnh sửa rơi vào tháng 2, tức là Thông tư 02 chỉnh sửa chưa kịp ngấm.
Về lãi suất vay vốn kinh doanh cũng đã giảm nhiều so với kỳ vọng của doanh nghiệp vẫn là cao. Tại sao không hạ lãi suất xuống nữa?
Thống đốc đã chỉ đạo, ngân hàng cũng thấy nhưng lãi suất chưa hạ ngay được. Đó là do quy luật trong kinh doanh, là độ rơi, độ trễ của thời gian.
Cần có khoảng thời gian để dứt điểm một số món vay, sau đó tiền gửi nhận lãi suất thấp mới cho vay lãi thấp. Tiền gửi lãi cao với thời gian dài thì phải cho vay với lãi suất cao, bắt hạ xuống thì ngân hàng “chết”. Về phía doanh nghiệp, thứ nhất “dính” một số doanh nghiệp nợ xấu chưa giải quyết xong. Bản thân doanh nghiệp những tháng đầu năm chưa khởi động lại. Thứ hai theo quy luật ý tưởng kinh doanh thường quý II mới bắt đầu. Hơn nữa, số doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn vay vẫn ở trạng thái chưa nâng lên được, không đủ tiêu chuẩn làm sao tiếp cận được vốn. Một yếu tố cực kỳ quan trọng đó là yếu tố niềm tin vẫn chưa khởi sắc. Mặc dù nền kinh tế có nhiều tín hiệu tốt nhưng niềm tin của người dân và doanh nghiệp – đại diện cho sức cầu chưa tăng.
Tín dụng là đòn bẩy, đòn bẩy chỉ có tác dụng khi điểm tựa vững thôi. Vậy điểm tựa của dư nợ ngân hàng chính là môi trường nền kinh tế và doanh nghiệp. Mà hiện doanh nghiệp dưới chuẩn, nền kinh tế, niềm tin chưa thực sự khởi sắc, tồn kho cao.
Giả sử anh càng cho vay thì sẽ gãy đòn bẩy vì điểm tựa lún xuống. Bài học cho thấy tốc độ tăng trưởng rất quan trọng nhưng quan trọng hơn rất nhiều đó là chất lượng của tăng trưởng tín dụng.
Với 10 tháng còn lại nếu không có tác động, tình trạng ì ạch tiếp tục thì rất gay go vì sẽ không đạt được mục tiêu 12-14%, theo đó không góp phần đẩy GDP đạt 5,8%. Đó mới là điều ái ngại.
Vậy chúng ta cần làm gì, thưa ông?
Trong quản trị khủng hoảng có 3 nguyên tắc. Thứ nhất là tốc độ. Bây giờ mình phải tăng tốc độ quyết liệt lên. Thứ hai là không được hoảng loạn. Bởi đã là quy luật thì có gì đâu mà hoảng loạn. Thứ ba là phải chấp nhận một sự thiệt hại nào đó.
Thiệt hại ở đây là gì? Phải bớt một số cầu toàn. Ví dụ ngân hàng cởi mở hơn trong chính sách, tài sản đảm bảo, trong khâu thủ tục, thay vì cho vay theo tài sản thì cho vay theo dòng tiền…
Về phía doanh nghiệp cũng phải chấp nhận thiệt hại vì có những cái không thể nào giữ mãi được. Ví dụ như bất động sản phải có động tác hạ giá xuống… Tức là linh hoạt trong quá trình thực hiện ý tưởng kinh doanh.
Tổng thể thì ngân hàng phải nâng chất lượng quản trị, doanh nghiệp cũng thế và theo thông điệp của Thủ tướng là cả quốc gia phải nâng chất lượng quản trị.
Nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay, thậm chí thấp hơn lãi suất huy động nhằm cải thiện đầu ra. Ý kiến của ông về động thái này?
Có thể khẳng định rằng lãi suất là một thành phần để tham gia vào việc tăng trưởng tín dụng nhưng ở thì hiện tại vai trò của nó đã khác.
Lãi suất còn vai trò không? Còn. Còn kích thích người ta không? Còn. Nhưng nó không đóng vai trò quyết định nữa mà chỉ quan trọng thôi. Mà quan trọng và quyết định là hai chuyện khác nhau.
Vậy yếu tố quyết định của ngày hôm nay nằm ở chỗ nào? Nằm ở phía ngân hàng, doanh nghiệp và môi trường kinh tế. Cụ thể nằm ở tỷ trọng, tiến độ thực hiện nợ xấu, giải phóng tồn kho, giải quyết được niềm tin và tiến độ của tái cấu trúc.
Cho nên đó là bài toán “đánh” đồng bộ mà chính vì đồng bộ nên mới khó.
Đổ lỗi cho ngân hàng không chịu cho vay và đổ lỗi cho lãi suất là cách nhìn không toàn diện. Ngân hàng có lỗi không? Có lỗi vì chưa giải quyết nợ xấu được.
Nhưng doanh nghiệp kêu gào không tiếp cận được đầu tiên trách nhiệm là thuộc về doanh nghiệp. Tín dụng là lòng tin, người ta không tin thì không thể cho vay được.
Ông đánh giá ra sao về việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2014?
Tín dụng cao kèm theo chất lượng xấu sẽ hết sức nguy hiểm. Cho nên ở đây sinh ra chữ linh hoạt và kiểm soát. Đừng đặt vấn đề là cao hay thấp mà nên đặt là cao hay thấp có kiểm soát được không, cao hay thấp có hiệu quả không. Do đó đặc biệt chú ý chỉ tiêu có tính định hướng.
Nếu gặp biến động của thế giới chẳng hạn có thể điều chỉnh xuống 11% còn tốt hơn đạt được 16% vượt chỉ tiêu mà kém chất lượng.
Năm 2013 GDP tăng trưởng 5,42% trong đó có sự tham góp của nhiều biến, trong đó có biến tín dụng và đã hoàn thành vượt chỉ tiêu.
Năm nay, giả sử các biến khác cố định, với mục tiêu GDP tăng 5,8% hoàn toàn có thể đạt được, vậy chẳng có lý gì mà tín dụng không đạt 12-14%.
Các cơ sở là gì? Thông tư 02 đã “mềm hóa”, nợ xấu đang giải quyết tích cực, nền kinh tế khởi sắc không ai phủ nhận được, chỉ số xuất khẩu tốt, doanh nghiệp, bất động sản là ách tắc rất lớn trong 2 tháng đầu năm có khởi sắc.
Tất cả phản ánh qua tấm gương thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán có nhiều biến để tăng mạnh nhưng trong đó có một biến đó là niềm tin giải quyết được, thế thì tín dụng cũng sẽ đạt được.
Và theo tôi tín dụng không chỉ ở 12-14% mà sẽ là trên 14%!
Xin cảm ơn ông!
Theo Huyền Trâm
Diễn đàn đầu tư/Bizlive